Lịch sử Biểu_tình_tại_Việt_Nam

Khi xã hội Việt Nam bắt đầu manh nha ý thức dân chủ từ thời Pháp thuộc trước năm 1945, biểu tình đã bắt đầu diễn ra. Từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, cùng với sự chuyển biến từ chế độ phong kiến hà khắc (nơi biểu tình đồng hành với khởi nghĩa của nông dân) sang chế độ của nước bị thực dân, xã hội đã dần dần hình thành các điều kiện để có biểu tình. Xã hội du nhập các tư tưởng tự do của Phương Tây (đặc biệt từ Pháp), theo đó người dân có quyền bày tỏ tư tưởng của mình. Dưới sự bóc lột của Thực Dân Pháp, phẫn nộ vì đất nước bị đô hộ, ảnh hưởng bởi các phong trào như Duy Tân tại Nhật Bản, nhiều các phong trào vận động đã diễn ra. Điển hình như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Đồng thời các Đảng phái được tự do thành lập, các phong trào đã bắt đầu có tổ chức. Hai cuộc biểu tình tiêu biều nhất trong thời kỳ này là: Biểu tình khởi đầu cho phong trào Xô Viết Nghệ tĩnh do Đảng Cộng sản khởi động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 tại ngã ba Bến Thủy, thành phố Vinh.[1] và biểu tình ngày 19/8/1945 do Việt Minh tổ chức tiến tới Cách mạng tháng Tám dành độc lập.

Khi Việt Nam giành được độc lập 1945 từ thực dân Pháp, cùng với việc áp dụng chế độ nhà nước Cộng hòa, quyền biểu tình đã được ghi vào hiến pháp và công nhận. Ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31 công nhận quyên biểu tình của người dân. "Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này" [2].Trong giai đoạn 1954 đến 1975, khi Việt Nam bị chia cắt với hai chế độ xã hội khác nhau. Miền Bắc theo chủ nghĩa xã hội, do điều kiện chiến tranh và xã hội, sau cải cách ruộng đất, chưa có cuộc biểu tình nào được ghi nhận. Ngược lại, tại miền nam, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, người dân được quyền Biểu tình. Các phong trào biểu tình chống chế độ, chống chiến tranh của các tầng lớp Tăng lữ, Sinh viên, trí thức... đã góp phần làm thay đổi xã hội, thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cuộc biểu tình lớn trong thời kỳ này phải kể tới Biến cố Phật giáo, 1963 làm thay đổi chính trị tại Việt Nam Cộng Hòa năm 1963. Uy tính của chính quyền Ngô Đình Diệm bị suy giảm nghiêm trọng do sự đàn áp các đợt biểu tình của giới Phật giáo, dẫn tới đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam. Nhìn chung, không khí chính trị tại Miền Nam Việt Nam là cởi mở, các cuộc tập hợp lực lượng chống chính quyền Sài Gòn diễn ra khá sôi nổi và phổ biến, nhất là phong trào đô thị. Nhiều cuộc biểu tình là do những người Cộng sản miền Nam Việt Nam cài người tổ chức, chi tiết xem thêm phần Chính trị thuộc Chiến tranh Việt Nam (miền Nam, 1954-1959).

Sau năm 1975, Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Dưới chế độ quản lý chặt chẽ của công an, không có đợt biểu tình nào nổ ra. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa cải cách, mức sống của người dân được nâng cao nhưng không có chuyển biến về chính trị, các hoạt động biểu tình không diễn ra quá nhiều. Tiêu biểu là cuộc biểu tình tại tỉnh Thái Bình năm 1997 hay tại Tây Nguyên vào năm 2001. Thực chất một số các phong trào biểu tình có tác động của các yếu tố nước ngoài, gây nên diễn biến hòa bình, đe dọa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Truyền thông e ngại dùng từ "biểu tình" mà thường dùng những từ như "tập trung đông người" (khiếu kiện), "tụ tập gây rổi" (trật tự trị an).

Vụ "biểu tình của quần chúng ở Thái Bình" năm 1997 cho thấy có một bước thay đổi về nhận thức. Lúc đầu chỉ thấy tính chất "gây rối" hay "chống đối" chính quyền,về sau này, do các nhà lãnh đạo trung ương dám tiếp cận, sâu sát với thực tế và gần dân nên nhận ra cả hai mặt tiêu cực và tích cực.

Cùng với những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông, từ năm 2007 một loạt các đợt biểu tình đã diễn ra chống lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông, kêu gọi lòng yêu nước. Đồng thời một số cuộc biểu tình diễn ra vì kiện cáo đất đai, đặc biệt là do người dân nhiều khu vực bị các chính quyền địa phương lấy đất làm khu công nghiệp hoặc khu đô thị nhưng không được đền bù thỏa đáng nên biểu tình[3]. Tiêu biểu là các cuộc biểu tình tại Tiên Lãng và Văn Giang.

Đặc điểm của các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam là chủ yếu tự phát, không có mục đích tổ chức rõ ràng. Ở Việt Nam không cho phép thành lập Đảng đối lập lại với Đảng Cộng sản, việc hình thành các tổ chức xã hội không chịu sự quản lý của Đảng Cộng sản là không thể. Chính quyền Việt Nam cũng tìm nhiều cách ngăn cản các cuộc biểu tình này đi quá giới hạn, gọi đó có thể gây ảnh hưởng tới quan hệ hữu hảo của Việt Nam với Trung Quốc[4][5]. Công An tiến hành bắt giữ hàng chục người[6] và sử dụng bạo lực [7].

Việt Nam hiện tại chưa có luật Biểu tình, mặc dù hiến pháp cho phép biểu tình. Điều 69, Hiến pháp: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Đề xuất có Luật Biểu tình đã đưa ra từ lâu, và cũng được khẳng định tính cấp thiết, tuy nhiên dự thảo Luật chưa được thông qua (thời điểm 2012). Do không có Luật quy định, người biểu tình rất dễ bị quy vào tội "tụ tập đông người", "gây rối trật tự công cộng" theo Nghị định 38 của Chính phủ ban hành năm 2005[8][9].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biểu_tình_tại_Việt_Nam http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-widesp... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-dan-ba-... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2011/08/1108... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/tienlang_l... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/06... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/06/11... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/11... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/11... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/11... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/12...